LỊCH SỬ HÌNH THÀNH


CẢNG SA KỲ
“Văn hóa, văn minh và an toàn”

Cảng Sa Kỳ trước đây là cảng cá được xây dựng sau năm 1975 để phục vụ hậu cần nghề cá của Trạm Thủy sản huyện Bình Sơn, hoạt động chủ yếu là thu mua, chế biến thủy, hải sản.
Năm 1989, ngay sau khi tái lập tỉnh Quảng Ngãi, công cuộc tái thiết, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên, lúc đó Quảng Ngãi với bờ biển dài 130km nhưng không có cảng biển. Do đó, tàu thuyền xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Quảng Ngãi phải cập cảng Quy Nhơn hoặc cảng Đà Nẵng. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi chủ trương xây dựng cảng Sa Kỳ mở đường cho ngành vận tải biển và ngành xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh phát triển.
Ngày 18.5.1990, công trình cảng Sa Kỳ chính thức khởi công. Đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân lao động ngành Giao thông vận tải và lực lượng công binh của quân đội đã lao động miệt mài ngày đêm, đã nổ 5 tấn thuốc nổ TNT phá 8000 m³ đá ngầm để khai thông luồng vào cảng Sa Kỳ. Ngày 17.9.1991, luồng cảng đã được khai thông đón chiếc tàu đầu tiên mang tên Ba Tơ trọng tải 442 tấn vào cảng.
Ngày 15.11.1993, tại cảng Sa Kỳ, đ/c Phạm Hữu Tôn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đ/c Cao Xuân Thủy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi lúc đó, chính thức cắt băng khánh thành cảng Sa Kỳ, giao Công ty vận tải biển Quảng Ngãi quản lý và khai thác cảng Sa Kỳ. Từ đây, cảng Sa Kỳ được Bộ Giao thông vận tải công bố đưa vào danh mục cảng biển Quốc gia, có công năng tiếp nhận tàu trọng tải 1.000T ra, vào giao nhận hàng, là nơi xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Champasak của Lào, tỉnh kết nghĩa nhưng không có bờ biển.
Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Sa Kỳ giai đoạn 1993 - 2007
Ngày 07/9/1996 Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 2572/QĐ-UB thành lập Ban Quản lý cảng Sa Kỳ trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại Ban Quản lý khai thác cảng Sa Kỳ của Công ty vận tải biển Quảng Ngãi.
Từ năm 1996, Ban Quản lý cảng Sa Kỳ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi có nhiệm vụ quản lý và khai thác cảng Sa Kỳ, duy tu, sửa chữa các công trình, cơ sở hạ tầng của cảng; quản lý, xây dựng và mở rộng cảng giai đoạn II và các giai đoạn tiếp theo.
Ngay từ khi tiếp nhận quản lý, khai thác cảng Sa Kỳ, Ban Quản lý cảng đã  tranh thủ thu hút nguồn tàu, nguồn hàng về cảng, cử cán bộ đến tiếp thị các doanh nghiệp trong tỉnh vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, tổ chức bao thầu trọn gói giao nhận hàng từ nơi đi, nơi đến,.…Nhưng do tình hình sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nhất là vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn này chưa phát triển; lượng tàu, hàng qua cảng rất hạn chế, mỗi năm có dưới 10 lượt tàu vào cảng. Nguồn thu không đủ chi cho việc bảo trì, sửa chữa các hạng mục công trình và các hoạt động thường xuyên của cảng.
Ngày 18/11/2005, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 2016/QĐ-UBND về việc sử dụng cầu cảng Sa Kỳ và Lý Sơn tiếp nhận phương tiện thủy nội địa vận chuyển hành khách, hàng hóa tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại. Ban Quản lý cảng Sa Kỳ nhận thêm nhiệm vụ quản lý và khai thác tuyến vận tải thủy nội địa Sa Kỳ - Lý Sơn. Tuyến đường thủy nội địa Sa Kỳ - Lý Sơn trở thành tuyến giao thông quan trọng nối đất liền với huyện đảo Lý Sơn, góp phần thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi bám biển gìn giữ chủ quyền của Tổ quốc đồng thời góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế biển của tỉnh.
Năm 2015 UBND tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng cầu cảng Sa Kỳ đạt chiều dài 106m bảo đảm năng lực cùng lúc tiếp nhận 02 tàu khách và 01 tàu hàng cập bến, đồng thời khánh thành đưa vào sử dụng nhà ga hành khách cảng Sa Kỳ khang trang, hiện đại. Tuyến du lịch Sa Kỳ - Lý Sơn dần hình thành và phát triển, mỗi năm thu hút hàng vài trăm ngàn khách du lịch trong và ngoài nước tham quan đảo Lý Sơn, quê hương của các Đội hùng binh Hoàng Sa từng dấn thân khai phá và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử và hậu duệ của họ hiện nay tiếp tục bám biển, là những cột mốc sống gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Từ năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp vận tải tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn từng bước mạnh dạn đầu tư phát triển đội tàu vận tải hành khách chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của hành khách tham quan, du lịch đảo Lý Sơn và nhờ đó nguồn thu từ dịch vụ khách du lịch qua cảng Sa Kỳ ngày càng tăng, Ban Quản lý cảng được UBND tỉnh quy định là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoạt động có hiệu quả, doanh thu và thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước; hình ảnh cảng Sa Kỳ, thái độ phục vụ của nhân viên cảng được du khách gần xa đánh giá cao, cảng Sa Kỳ được Trưởng Ban An toàn giao thông – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chứng nhận “Bến khách cảng Sa Kỳ văn hóa - văn minh - an toàn”.
 
Nhộn nhịp trên bến, dưới thuyền tại cảng Sa Kỳ ngày nay
          Từ lúc mới thành lập, Ban Quản lý cảng Sa Kỳ chỉ có 03 CBVC đến năm 2017 UBND tỉnh đổi tên Ban Quản lý cảng Sa Kỳ thành Ban Quản lý Cảng và Cảng vụ đường thủy nội địa, có cơ cấu tổ chức 3 phòng chuyên môn nghiệp vụ, hiện nay đội ngũ viên chức - lao động có 43 người, chi bộ đảng có 17 đảng viên. Đội ngũ viên chức - lao động Ban Quản lý luôn tận tụy với công việc, được quan tâm bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống trong khi thi hành nhiệm vụ nên từng bước tinh thông nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
              Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, cảng Sa Kỳ đã khẳng định vị thế, tầm quan trọng trên lĩnh vực vận tải thủy nội địa từ bờ ra đảo, nối tiếp truyền thống “đi trước mở đường” của ngành Giao thông vận tải, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi./.
           

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây